Xử Lý Nước Thải Dệt Nhuộm

1.      Đặc điểm, tính chất nước thải dệt nhuộm: 

Nguồn nước thải phát sinh trong công nghệ dệt nhuộm là từ các công đoạn hồ sợi, rũ hồ, nấu tẩy, tẩy trắng, làm bóng, nhuộm, in và hoàn tất. Với đặc điểm của ngành công nghiệp dệt nhuộm là:

-        Công nghệ sản xuất gồm nhiều công đoạn, thay đổi theo mặt hàng nên việc xác định thành phần tính chất lưu lượng nước thải gặp nhiều khó khăn.

-        Có lưu lượng nước thải lớn, chứa nhiều chất hữu cơ khó phân hủy sinh học, chứa kim loại nặng và độ màu cao...

 2.      Quy trình công nghệ xử lý nước thải ngành dệt nhuộm đề xuất:

Thiết kế hệ thống xử lý nước thải dệt nhuộm để nước thải đầu ra đạt quy chuẩn là một vấn đề cấp thiết đối với doanh nghiệp. Công ty TNHH CNMT Nguyên Khang đã nghiên cứu, áp dụng thành công và linh hoạt lựa chọn công nghệ phù hợp trong xử lý nước thải dệt nhuộm với nhiều ưu điểm cải tiến, vượt trội, giảm chi phí xây dựng và vận hành so với các hệ thống xử lý thông thường.

 

         THUYẾT MINH CÔNG NGHỆ

 

1.      Nước thải từ các xưởng sản xuất theo mạng lưới thoát nước riêng được dẫn đến bể tiếp nhận nước thải. Bể tiếp nhận được thiết kế đảm bảo thu gom toàn bộ lượng nước thải phát sinh. Tại bể có bố trí thiết bị tách rác thô để loại bỏ các tạp chất, rác có kích thước lớn. Sau đó nước thải sẽ được dẫn đến bể điều hòa.

2.      Bể điều hòa có chức năng điều hòa lưu lượng, thành phần, tính chất, nồng độ và nhiệt độ nước thải, tránh gây quá tải cho vi sinh vật trong các bể phía sau. Do đó giúp cho hệ thống xử lý làm việc ổn định đồng thời giảm kích thước các công trình đơn vị phía sau, tránh tình trạng quá tải vào các giờ cao điểm. Trong bể điều hòa có bố trí hệ thống sục khí nhằm mục đích xáo trộn, tránh quá trình lắng cặn và phân hủy kỵ khí gây mùi và giảm một phần các chất hữu cơ có trong nước thải. Ngoài ra, nước thải còn được trung hòa pH trước khi bơm sang cụm bể hóa lý 1.

3.      Trước khi đến hệ keo tụ nước thải sẽ qua thiết bị tách rác tinh để lọai bỏ triệt để lượng rác còn lại.

4.      Cụm bể hóa lý 1 bao gồm: bể keo tụ - bể tạo bông, với nhiệm vụ chính là khử SS, độ màu và giảm COD. Nước thải sau bể tạo bông tiếp tục tự chảy qua bể lắng hóa lý 1.

5.      Bể lắng bùn hóa lý 1 có nhiệm vụ phân tách hỗn hợp nước và bùn, nên được thiết kế đặc biệt tạo môi trường tĩnh cho bông bùn lắng xuống đáy bể. Tại bể lắng, nước thải đi từ dưới lên trên qua ống trung tâm, bùn sẽ lắng xuống và được gom vào đáy bể, lượng bùn này được bơm qua bể nén bùn. Phần nước trong được chảy qua bể sinh học tiếp xúc kỵ khí.

6.      Bể sinh học tiếp xúc kỵ khí: thực hiện phân hủy các hợp chất hữu cơ trong điều kiện kỵ khí, nhất là các chất hữu cơ khó phân hủy sinh học trong nước thải dệt nhuộm thành các dạng khí sinh học và các sản phẩm hữu cơ khác. Tại bể kỵ khí, hóa chất được châm vào nhằm tạo thành các loại bùn hạt có mật độ vi sinh cao, góp phần nâng cao hiệu suất xử lý. Nước đầu ra kỵ khí sẽ tự chảy qua bể sinh học hiếu khí bùn hoạt tính.

7.      Tại bể hiếu khí nơi diễn ra quá trình phân huỷ hợp chất hữu cơ và quá trình Nitrat hoá trong điều kiện cấp khí nhân tạo bằng máy thổi khí. Lượng khí cung cấp vào bồn với mục đích: Cung cấp oxi cho vi sinh vật hiếu khí chuyển hóa chất hữu cơ hòa tan thành nước và CO2; xáo trộn đều nước thải và bùn hoạt tính tạo điều kiện để vi sinh vật tiếp xúc tốt với các cơ chất cần xử lý; giải phóng các khí ức chế quá trình sống của vi sinh vật, các khí này sinh ra trong quá trình vi sinh vật phân giải các chất ô nhiễm; tác động tích cực đến quá trình sinh sản của vi sinh vật.

      Trong bồn sinh học các vi sinh vật (VSV) hiếu khí sử dụng oxi được cung cấp chuyển hóa các chất hữu cơ hòa tan trong nước thải một phần thành vi sinh vật mới, một phần thành khí CO2 và NH3 bằng phương trình phản ứng sau:

                        VSV + C5H7NO2 (chất hữu cơ) + 5O2 → 5CO+ 2H2O + NH3 + VSV mới

      Hiệu suất xử lý của bể thổi khí tính theo COD, BOD đạt khoảng 90-95%. Từ bể thổi khí, nước thải được dẫn sang bể lắng đợt 2.

8.      Tại bể lắng đợt 2 diễn ra quá trình phân tách giữa nước và bùn hoạt tính. Bùn hoạt tính lắng xuống đáy và được dẫn ra bể chứa bùn thông qua hệ thống thu bùn dưới đáy, còn nước trong được dẫn sang cụm bể hóa lý 2.

9.      Cụm bể hóa lý 2 bao gồm: bể khử màu - bể keo tụ - bể tạo bông, với nhiệm vụ chính là loại bỏ triệt để hàm lượng chất rắn lơ lửng, COD, độ màu… trong nước thải. Nước thải sau hóa lý tiếp tục tự chảy qua bể lắng hóa lý.

10.  Bể lắng bùn hóa lý 2 có nhiệm vụ tương tự bể lắng hóa lý 1, phân tách hỗn hợp nước và bùn. Phần nước trong được chảy ra bể khử trùng.

11.  Bể khử trùng: Nước thải sau khi tách bùn được châm Chlorine/Javel khử trùng trước khi xả ra nguồn tiếp nhận. Chlorine/Javel, chất oxi hóa mạnh thường được sử dụng rộng rãi trong quá trình khử trùng nước thải. Hàm lượng chlorine cần thiết để khử trùng cho nước sau lắng, 3-5mg/L. Hàm lượng chlorine cung cấp vào nước thải ổn định bằng bơm định lượng hóa chất.

12.  Phần nước sạch sau xử lý sẽ theo hệ thống thoát nước dẫn thẳng ra nguồn tiếp nhận đạt quy chuẩn Cột A-QCVN 13:2008/BTNM.


Zalo
Facebook chat
https://www.facebook.com/C%C3%B4ng-Ty-TNHH-C%C3%B4ng-Ngh%E1%BB%87-M%C3%B4i-Tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-Nguy%C3%AAn-Khang-260119470859721/?__tn__=kC-R&eid=ARDz_awdEXrhgLPbIixMrgc19To_5rueivJy-2MzmSqnGYOJ_CS3qdVsiktgXSIUTtswuU5rE4LFcK6l&hc_ref=ARQr44TtDWHCmv-YeJySO