Cảnh khô hạn tại hồ Chilwa ở khu vực Zomba, miền đông Malawi, ngày 19/10/2018.
Lời cảnh báo trên được đưa ra trong báo cáo đăng tải tên tạp chí y khoa The Lancet số ra ngày 28/11.
Báo cáo, là kết quả làm việc của nhiều bác sỹ, học giả, các chuyên gia về chính sách thuộc 27 tổ chức trên thế giới, đã kêu gọi thế giới hành động nhanh chóng nhằm ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu và đảm bảo hệ thống y tế toàn cầu có khả năng chống chọi với các thách thức thời tiết đang gia tăng.
Trong báo cáo này, các chuyên gia cảnh báo việc khí hậu đang biến đổi nhanh chóng đang tác động đến mọi mặt của cuộc sống con người, khiến những nhóm người dễ bị tổn thương dễ trở thành nạn nhân, đồng thời thay đổi cấu trúc gene của các virus bệnh truyền nhiễm và tác động đến vấn đề an ninh lương thực, nước sạch và không khí trong lành.
Các chuyên gia sức khỏe và nhà khoa học cho rằng những tác động của biến đổi khí hậu, từ nắng nóng đến bão, lũ lụt và hỏa hoạn, đang nổi lên và đe dọa hệ thống y tế toàn cầu.
Bão và lũ lụt không chỉ gây thương vong mà còn khiến bệnh viện ngừng hoạt động, bệnh dịch bùng phát, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của những người dân bị mất nhà cửa. Tương tự, cháy rừng làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm không khí trên diện rộng.
Ví dụ điển hình cho tình trạng này là vụ cháy rừng Camp Fire mới đây tại bang California, Mỹ, khi có tới 80 người thiệt mạng và khói bụi gây ô nhiễm lan rộng sang phía Đông nước này.
Báo cáo dẫn chứng số người phải hứng chịu các đợt nắng nóng xảy ra trong năm ngoái đã tăng thêm 157 triệu người so với thời điểm năm 2000.
Thời tiết nóng hơn còn ảnh hưởng đến năng suất lao động của những người phải làm việc ngoài trời như trong các lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp, dẫn đến thất thoát 153 tỷ giờ công lao động trong năm 2017, tăng 60% so với 17 năm trước đó. Ấn Độ là ví dụ điển hình cho tình trạng này khi số giờ lao động trong năm 2017 tại nước này đã giảm 7% do nắng nóng.
Báo cáo chỉ rõ các nước châu Âu, khu vực Đông Địa Trung Hải, Đông Nam Á cũng không phải là ngoại lệ.
Người cao tuổi, đặc biệt là những người sống tại thành thị, là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề do hiệu ứng đô thị và nhiệt độ trung bình cao hơn so với khu vực nông thôn.
Tại England và xứ Wales của Anh, trong đợt nóng kéo dài trong 15 ngày hồi tháng Sáu và tháng Bảy vừa qua, số người tử vong do nắng nóng đã tăng thêm 700 trường hợp.
Báo cáo của The Lancet nhận định thời tiết ấm lên do biến đổi khí hậu còn tạo môi trường bùng phát cho các dịch bệnh do muỗi như sốt xuất huyết và một số mối đe dọa khác.
Tại các nước vùng Baltic, kể từ năm 1950, nguy cơ dịch tả bùng phát tăng 24% ở các khu vực ven biển, trong khi tại khu vực sa mạc Sahara ở châu Phi, nguy cơ bệnh sốt rét lan rộng tăng 27%.
Thời tiết khô nóng cũng dẫn tới tình trạng kháng kháng sinh ở những người mắc một số bệnh do vi khuẩn gây nên, đồng thời làm giảm sản lượng nông nghiệp trên diện rộng.
- Biến nhựa thành xăng (14.03.2019)
- Xử lý nước thải hữu cơ độc hại khó phân hủy dưới ánh nắng mặt trời (14.03.2019)
- Biến đổi khí hậu đe dọa an ninh môi trường (20.05.2017)
- Vì sao ô nhiễm không khí mùa đông thường cao hơn mùa hè? (01.01.1970)
- Tái chế rơm rạ bảo vệ môi trường (01.01.1970)